Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với hơn 1/4 số công dân của nước này là những người từ 65 tuổi trở lên.

Dân số lão hóa đã và đang tạo ra một sức ép lớn đối với hệ thống tài chính và ngành bán lẻ của nước này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một xu hướng ít ai ngờ tới đã xuất hiện ở đất nước mặt trời mọc: Một số lượng lớn chưa từng có người già phạm tội với những tội danh nho nhỏ để có thể được sống phần đời còn lại trong nhà tù.

Theo hãng tin Bloomberg, số đơn kiện và các vụ bắt giữ liên quan đến người cao tuổi đã vượt qua con số tương ứng đối với bất kỳ nhóm tuổi nào khác ở Nhật. Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ người già phạm tội tại nước này đã tăng gấp 4 lần.

Trong các nhà tù Nhật hiện nay, cứ 5 phạm nhân lại có một người lớn tuổi. Đối với các phạm nhân nữ cao tuổi, cứ 10 người thì có 9 người bị bắt do tội trộm vặt ở siêu thị, cửa hàng.

Hiện tượng bất thường này xuất phát từ những khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi ở Nhật.

Số người cao tuổi sống cô đơn ở Nhật đã tăng thêm 600% trong thời gian từ năm 1985 đến năm 2015. Một nửa số người già bị bắt vì tội trộm vặt ở cửa hàng, siêu thị là những người sống một mình – theo số liệu của Chính phủ Nhật năm 2017. 40% trong số này nói họ không có gia đình hoặc hiếm khi liên lạc với người thân.

Đối với những người già này, cuộc sống trong nhà tù là lựa chọn tốt hơn cuộc sống tự do bên ngoài.

“Họ có thể có nhà. Họ có thể có gia đình. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng họ có một tổ ấm”, bà Yumi Maranaka, người đứng đầu nhà tù nữ Iwakuni, nói với Bloomberg.

Chi phí cho việc giam giữ một phạm nhân trong nhà tù ở Nhật là trên 20.000 USD/năm. Chi phí đối với các phạm nhân cao tuổi là lớn hơn, bởi còn bao gồm chi phí chăm sóc đặc biệt và y tế. Trong khi đó, các quản giáo nhận thấy mình ngày càng giống như đang làm việc trong một nhà dưỡng lão.

Tuy nhiên, các phạm nhân cao tuổi trong nhà tù Nhật được Bloomberg phỏng vấn nói rằng họ cảm thấy không khí cộng đồng trong nhà tù, điều mà họ chưa bao giờ cảm nhận được ở bên ngoài.

“Tôi thích sống trong tù hơn. Có nhiều người xung quanh tôi và tôi không hề cảm thấy cô đơn ở đây. Khi ra tù lần thứ hai, tôi đã hứa sẽ không quay lại. Nhưng khi ra tù rồi, tôi lại thấy nhớ”, một phạm nhân nữ nói với Bloomberg.

Phạm tội nhằm mục đích bị bắt vào tù không phải là chuyện chỉ có ở Nhật. Chẳng hạn, ở Mỹ cũng có nhiều trường hợp cố tình để bị cảnh sát bắt nhằm được chăm sóc y tế, tránh điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hoặc để buộc mình phải cai nghiện.

Tuy nhiên, xu hướng ở Nhật khiến các nhà chức trách lo ngại. Chính phủ Nhật hiện đang cố gắng giải quyết vấn đề phạm tội ở người cao tuổi bằng cách cải thiện hệ thống phúc lợi và các chương trình dịch vụ xã hội, nhưng làn sóng phạm nhân cao tuổi có vẻ như sẽ không sớm chấm dứt.

“Cuộc sống trong tù cũng chẳng dễ dàng gì”, ông Takeshi Izumaru, một nhân viên xã hội, nhận định. “Nhưng đối với nhiều người, cuộc sống bên ngoài còn tệ hơn”.