Sau khi ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng và khám xét nhà riêng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về hành vi tổ chức đánh bạc, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố hàng loạt bị can về các hành vi tổ chức đánh bạc; đánh bạc; rửa tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong số những người bị khởi tố có ông Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Truyền thông trực tuyến VTC (VTC Online).
Từ đỉnh cao danh vọng
VTC Online được thành lập vào năm 2008, thuộc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC) và từng là 1 trong 3 nhà phát hành game online lớn nhất Việt Nam. Tên tuổi của VTC online gắn liền với Phan Sào Nam.
Phan Sào Nam, sinh năm 1979, là một nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 2006, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào lĩnh vực nội dung số, ông Nam được bổ nhiệm vào vị trí Phó giám đốc VTC Intecom. Và sau 2 năm, ông cùng các đồng nghiệp đã đã thành lập lên VTC Online.
Sau khi VTC Online được thành lập thì Phan Sào Nam đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cao nhất tại đây. Ông lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc VTC Online (2008-2009), Phó chủ tịch kiêm Giám đốc VTC Online (2009-2011) và sau đó làm Chủ tịch VTC Online, Chủ tịch kiêm Giám đốc VTC HCM.
Một dấu ấn của VTC Online trong khỏang thời gian ông Phan Sào Nam giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty này chính là việc kêu gọi thành công khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD từ Quỹ đầu tư DWS Việt Nam, thông qua Công ty Quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore vào ngày 4/7/2012 sau hơn nửa năm đàm phán.
Năm 2013, VTC Online được xếp hạng trong số những doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
… đến làm ăn sa sút dưới thời Phan Sào Nam
Tuy nhiên, tình hình sa sút của VTC Online bắt đầu từ năm 2014. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, năm 2014, VTC ghi nhận khoản lỗ 102 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ lớn chủ yếu xoay quanh các khoản lỗ của hoạt động kinh doanh game. Khoản lỗ này đến tận hai năm sau đó vẫn chưa thể xóa hết.
Theo đó, báo cáo kiểm toán năm 2015 và 2016, cho thấy dù VTC Online có lãi nhưng cũng chỉ ghi nhận con số lợi nhuận khiêm tốn, từ 7 tỷ đến 9 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2016, công ty này vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 42 tỷ đồng, gần gấp đôi so với vốn điều lệ.
Đáng lưu ý, báo cáo kiểm toán, nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 81.812 triệu đồng. Ngoài ra, công ty có các cổ phiếu phổ thông mà cổ đông có quyền yêu cầu mua lại một phần hoặc toàn bộ với giá trị 6.905 triệu đồng. Hãng kiểm toán cho rằng, nếu khoản này được trình bày toàn bộ như khoản nợ ngắn hạn phải trả thì dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Năm 2017, VTC Online đặt kế hoạch lỗ 16 tỷ đồng.
Tháng 12/2017, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã thông báo tiến hành đấu giá toàn bộ 1,02 triệu cổ phiếu – tương đương 44,75% số cổ phần đang lưu hành của VTC Online vào ngày 2/1/2018. Số lượng cổ phần đang lưu hành của VTC Online là 2,27 triệu cổ phần.
Nếu tính với giá khởi điểm 107.388 đồng/cổ phần, thì VTC Online hiện được định giá khoảng 244 tỷ đồng, tương đương 11 triệu USD.
Điều đáng nói, vào năm 2012, Quỹ đầu tư DWS Vietnam – nay là Vietnam Phoenix Fund, đã rót 10 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần của VTC Online. Như vậy, mức giá mà VTC rao bán chỉ bằng 1/5 so với mức định giá của DWS Vietnam Fund cách đây 5 năm.
Trong bản cáo bạch chào bán cổ phần, đến tháng 7/2017, ông Nam vẫn là Ủy viên Hội đồng quản trị của VTC Online với 4,3% cổ phần sở hữu. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, những thông tin về ông này đã bị thay đổi trên website của công ty.
Thương vụ thoái vốn của VTC tại VTC Online cũng bất thành do chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký tham dự.